HỌC TẬP QUA TRẢI NGHIỆM: KHÁI NIỆM & ỨNG DỤNG


Học tập qua trải nghiệm
(Experiental Learning) là quá trình học thông qua thực hành, thực nghiệm; được đề xuất ban đầu bởi nhà tâm lý học David Kolb, người đã nêu rõ tầm quan trọng của trải nghiệm đối với quá trình học tập. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông qua mô hình học tập trải nghiệm của ông. Mô hình này “quy trình hoá” việc học với các giai đoạn và thao tác được định nghĩa rõ ràng.

I. “Học tập qua trải nghiệm” là gì?

“Tell me, and I will forget. Show me, and I may remember. Involve me, and I will understand.”

“Nếu bạn chỉ nói cho tôi, thì tôi sẽ quên. Bạn cho tôi xem, thì tôi có thể nhớ. Nếu cho tôi tham gia cùng, tôi sẽ hiểu”

Quy trình của Kolb cho thấy rằng việc học không đơn thuần là việc chúng ta ghi nhớ một kiến thức nào đó mà cần trải qua 04 giai đoạn: kinh nghiệm, chiêm nghiệm, khái niệm hoá & trải nghiệm tích cực.

Từ những kinh nghiệm/kiến thức được thu thập từ những nguồn thông tin khác nhau (video, bài giảng, trải nghiệm thực tế…), người học cần chiêm nghiệm (đánh giá điểm tốt, điểm chưa tốt,…), rồi hình thành khái niệm hay quy trình cho trải nghiệm đó. Giai đoạn cuối cùng là thử nghiệm quy trình vừa được quy chuẩn tại giai đoạn 3, qua lần thử nghiệm này người học sẽ rút ra những bài học, trải nghiệm mới; tạo ra vòng lặp lại tiếp tục với các cải tiến.

quy trinh Kolb

1) Giai đoạn Concrete Experience (Trải nghiệm cụ thể)

Giai đoạn này người học đọc tài liệu, xem video, hay có trải nghiệm thực tế trong công việc, cuộc sống, hình thành nên các concrete experience. Những kinh nghiệm đó trở thành đầu vào của chu trình Kolb. Nếu dừng lại ở dạng kinh nghiệm thôi thì chưa đủ, vì chúng chỉ đọng lại ở biết và dễ dàng rơi vào quên lãng, hoặc chỉ được ứng dụng một cách vô thức.

2) Giai đoạn Reflection (Chiêm nghiệm)

Dựa trên những kinh nghiệm đầu vào sẵn có, chúng ta bắt đầu “soi xét” chúng một cách có hệ thống. Những điểm nào tốt, những điểm nào cần cải thiện, kết quả như thế nào. Điều này sẽ giúp người học có định hướng rõ ràng hơn cho lần thử nghiệm tiếp theo. Nếu tiếp tục ứng dụng thì họ sẽ thay đổi gì để trải nghiệm tốt hơn hay kết quả tạo ra tốt hơn.

3) Giai đoạn Abstract Conceptualisation (Khái niệm hoá)

Ở giai đoạn này, dựa trên những gì đã chiêm nghiệm trước đó, người học “khái niệm hoá” kinh nghiệm trở thành một phiên bản tốt hơn. Nếu gọi là kinh nghiệm ban đầu là A thì sau giai đoạn này A có thể trở thành A’, A” hay thậm chí là B. Đây chính là bước quan trọng để các kinh nghiệm được chuyển đổi thành “tri thức”, hệ thống khái niệm và bắt đầu lưu giữ lại trong não bộ.

Nếu không có bước này, các kinh nghiệm sẽ không thể được nâng cấp và phát triển lên một tầm cao mới hữu ích hơn mà chỉ là các trải nghiệm vụn vặt, được “nhặt” trong tiến trình học tập hay thực hành. Giai đoạn này kết thúc bằng việc học viên đưa ra một kế hoạch cụ thể để ứng dụng nó ở giai đoạn 4. 

4) Giai đoạn Active Experience (Thử nghiệm tích cực)

Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong 04 giai đoạn, vì nó là giai đoạn mang lại giá trị nhiều nhất hay cũng là giai đoạn được sở hữu những kiến thức/kinh nghiệm tinh túy nhất sau 03 giai đoạn ở trên. Ứng dụng các thử nghiệm vào thực tiễn.

Ví dụ

Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng đến với một thử nghiệm sau:

Pomodoro là một phương pháp quản trị việc sử dụng thời gian, nhằm nâng cao sự tập trung tối đa cho công việc. 

Mục tiêu: Làm chủ quá trình ứng dụng Pomodoro trong quản lý thời gian

Bước 1: Sau khi đọc tài liệu/xem video về Pomodoro, bạn thử ứng dụng Pomodoro vào quá trình làm việc

Bước 2: Thảo luận cùng với bạn bè hoặc bản thân tự ngồi reflection xem: có điểm nào không ổn, điểm nào gặp khó khăn khi ứng dụng… Ghi lại những cảm nhận quan trọng và so sánh lại cách làm của bản thân với tài liệu ban đầu. Tìm các giải pháp khắc phục khó khăn thông qua: những người đã ứng dụng, tìm kiếm trên mạng,… sau đó rút ra kết luận cho riêng mình

Bước 3: Phác thảo quá trình Pomodoro “ver 2.0” với phiên bản cải tiến hơn, điều chỉnh sao cho hiệu quả với bản thân

Bước 4: Thực hiện quy trình ở bước 3 và lặp lại từ bước 1

II. Ưu điểm “Học tập qua trải nghiệm”

1) Đẩy người học lên tầng tư duy cao

Ưu điểm lớn nhất của việc “học tập qua trải nghiệm” đó là đẩy người học lên những tầng tư duy cao hơn so với cách học/dạy thông thường.

Theo Robert Marzano, chúng ta có 6 tầng tư duy:

  • Truy hồi kiến thức
  • Hiểu
  • Phân tích
  • Sử dụng kiến thức
  • Siêu nhận thức
  • Hệ thống tư duy cá nhân

Nếu chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 của chu trình Kolb, người học đang ở tư duy tầng truy hồi kiến thức. Việc này chỉ giúp họ nhận ra điều đó đúng hay sai với kinh nghiệm/kiến thức đã học, giúp nhớ lại và thực hiện kỹ năng đó ở mức độ vừa phải – đúng theo những gì đã được giao.

Nhưng nếu đi tiếp qua 3 giai đoạn còn lại, nó sẽ giúp người học đạt đến tầng sử dụng kiến thức. Có nghĩa là họ đã phân loại, khái quát được kinh nghiệm/kiến thức của mình. Nhờ vậy, họ ứng dụng kiến thức có “ý thức”. Tức là, họ có thể ứng dụng một cách linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau và tìm ra những giải pháp tốt nhất.

Vậy việc đẩy người học lên những tầng tư duy cao hơn có ích gì?

Việc rèn luyện ở những tầng tư duy cao không chỉ giúp ta làm chủ kiến thức mà nó có ích trong mọi trường hợp của công việc và cuộc sống. Khi được rèn luyện thói quen với mỗi kiến thức/kỹ năng đều trải qua 04 giai đoạn, vô tình với mỗi sự việc xảy ra họ sẽ bắt đầu reflection – (suy nghĩ, chiêm nghiệm), khái niệm hoá… Từ đó tìm cách tạo ra một trải nghiệm tích cực hơn (hiệu quả hơn). 

Thêm nữa não bộ của chúng ta là một hệ thống thần kỳ, nhưng nếu không được rèn luyện và sử dụng thì nó cũng sẽ trở nên ì ạch và trì trệ.

2) Giúp người học thực sự “hiểu” kiến thức vừa nhận được

  • Hiểu về bản chất chứ không phải hiểu đơn thuần là lặp lại kiến thức.
  • Hiểu để có thể tự do ứng dụng các kiến thức trong những bối cảnh khác nhau.
  • Hiểu để áp dụng kiến thức vào thực tế một cách thoải mái.

Hẳn là chúng ta đã từng gặp nhiều trường hợp kiến thức được thực hành trên lớp thì rất suôn sẻ, thuận lợi, vì đó là lúc học viên vừa được học và được tạo điều kiện thử nghiệm. Thế nhưng khi đưa về bài toán vận hành thực tế thì học viên lại không ứng dụng được nhiều. Vậy là bản chất, việc học vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Mục đích của học tập/đào tạo chính là học viên có thể ứng dụng kiến thức đã học cho dù họ có thể gặp rào cản. Và rào cản chính là yếu tố xúc tác giúp họ tạo ra những khái niệm mới cho bản thân, tối đa hiệu quả kiến thức đã học.

3) Rèn luyện cách viết & trình bày

Giai đoạn Reflection giúp người học rèn luyện cách viết hay cách trình bày. Trong giai đoạn Reflection, người học cần viết hay trình bày trải nghiệm. Từ đó giúp họ biết cách sắp xếp ý tưởng, nội dung. Điều này vô tình rèn luyện kỹ năng tư duy khiến các suy nghĩ trở nên rõ ràng và rành mạch hơn.

Ưu điểm này tuy có phần nhỏ bé so với 2 ưu điểm trên nhưng lại rất hữu ích và có tính ứng dụng cao trong thực tế.

 

III. “Học tập qua trải nghiệm” có hạn chế gì?

Ưu điểm là vậy nhưng phương pháp này cũng vẫn có những hạn chế nhất định. Học tập trải nghiệm theo quy trình Kolb khá phức tạp và cần sự cam kết cao mới tạo ra được giá trị. Nếu người học không có reflection, họ chỉ dừng lại ở việc truy hồi kiến thức và kinh nghiệm ở mức độ rời rạc.

Bởi vậy, học tập qua trải nghiệm sẽ phát huy tốt tác dụng với những người học “chủ động”. Ngược lại với những người học ít chủ động, học tập trải nghiệm có thể mang lại tác dụng ngược, khiến người học phản ứng & từ chối tham gia chương trình. 

Đối với việc triển khai hoạt động học tập trong một doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của các học viên. Nếu không thể sắp xếp, cân bằng giữa công việc và học tập thì người học khó tham gia chương trình một cách trọn vẹn. Vì vậy, để việc học tập qua trải nghiệm diễn ra hiệu quả, cần có sự cam kết cao từ người học cũng như lãnh đạo doanh nghiệp.

IV. Cách vận dụng “Học tập qua trải nghiệm” trong tổ chức

Như đã đề cập phía trên, quy trình Kolb không chỉ được ứng dụng trong đào tạo, mà khi được áp dụng vào công việc, nó cũng sẽ phát huy tốt các ưu điểm ưu việt của mình. GrowMind xin gợi ý cách thức vận dụng mô hình này như sau:

1) Đối với công việc:

  • Bước 1: Tạo ra các buổi reflection với mục tiêu nhìn lại công việc, đánh giá điểm mạnh/yếu sau đó là kế hoạch thay đổi/cải tiến
  • Bước 2: Tiến hành thử nghiệm theo kế hoạch đã đề ra 
  • Bước 3: Quay lại vòng lặp 

Lưu ý: Tần suất các buổi reflection có thể 1 tuần/lần & vào ngày cố định để giúp mọi người tạo thành thói quen

2) Đối với các chương trình đào tạo:

  • Bước 1: Tạo ra kinh nghiệm/kiến thức thông qua bài giảng, video hay đơn thuần là tài liệu 
  • Bước 2: Cho học viên reflection & kế hoạch ứng dụng tiếp theo
  • Bước 4: Đề xuất họ tiếp tục ứng dụng & lặp lại vòng tròn như ban đầu 

Lưu ý: Để học viên trải nghiệm đủ 04 bước thì cơ chế kiểm soát sẽ cần rất chặt chẽ

Trong thời gian đầu tiên, khi bắt đầu ứng dụng, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn từ học viên/thành viên tham gia, tác động ngoại cảnh… Việc này là điều khó tránh khỏi. Quan trọng là ta cần đối mặt để xử lý từng vấn đề. Chúng ta cần nắm chắc nền tảng cốt lõi của “Học tập qua trải nghiệm” để giữ vững được quan điểm/triết lý của nó, tránh trường hợp điều chỉnh, cắt xén giai đoạn, việc này sẽ khiến chương trình, sự kiện không đạt được như kết quả kỳ vọng.

Tại GrowMind, với dịch vụ Tư vấn Xây dựng Tổ chức học tập, các chương trình được thiết kế với nhiều hoạt động học tập đa dạng, mang lại nhiều trải nghiệm khác nhau cho các học viên. Các chương trình không thiên về giảng dạy, tập trung học viên phát triển thông qua quá trình tự học, thực hành, trải nghiệm và nhìn lại (reflection)… dưới sự hướng dẫn của Instructor và Facilitator.

Hai chương trình tiêu biểu là: Global Citizen – chương trình trang bị kỹ năng mềm thiết yếu, hay Professional Manager – chương trình dành cho đội ngũ quản lý đã tạo ra những kết quả tích cực:

  • Hơn 1000 thử nghiệm tích cực tạo ra sự thay đổi cho học viên & tổ chức
  • Hơn 1000 reflection được viết
  • Nhiều thử nghiệm được ứng dụng ở quy mô công ty sau khi được cải tiến qua nhiều vòng
  • Giúp học viên chuyển từ cách học truyền thống qua phương pháp “học qua trải nghiệm” từ đó tạo ra trải nghiệm học tập tích cực & tạo lập thói quen “học đi đôi với hành”
  • Giúp học viên xây dựng năng lực tự học hiệu quả
1
Bạn cần hỗ trợ?