QUẢN LÝ HIỆN ĐẠI LÀ KHAI VẤN (COACHING)

NGUỒN BÀI VIẾT

  • Tên bài viết gốc: Gallup Finds a Silver Bullet: Coach Me Once Per Week
  • Nguồn bài: Gallup
  • Dịch thuật, biên tập: GrowMind

quan tri là khai van

Đã có nhiều bài viết về năng suất, sự gắn kết của nhân viên, sự giảm doanh thu và mối quan hệ của tất cả các vấn đề này với nhau. Nhưng cuối cùng, các nghiên cứu hay tài liệu đó chỉ cần được tóm tắt trong một câu: Mọi thứ bắt nguồn từ người quản lý. Một lần nữa, đã có rất nhiều tài liệu được viết về chủ đề này, nhưng ý tưởng cần nhấn mạnh đằng sau chúng là: Các nhà quản lý giỏi biết cách huấn luyện/ khai vấn (hay coaching) nhân viên của họ.

Thay vì chỉ tập trung vào quản lý và chỉ đạo, hãy tập trung vào việc khai vấn – coaching. Nên có một cuộc trò chuyện khai vấn hàng tuần với mỗi thành viên trong đội ngũ để thảo luận về mục tiêu của họ và gắn nó với mục tiêu của tổ chức. Bằng cách sử dụng khả năng lãnh đạo để giúp nhân viên phát huy tối đa điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, nhân viên sẽ trở nên gắn bó hơn, năng suất cao hơn và cảm thấy hài lòng hơn. Văn hóa doanh nghiệp sẽ thay đổi, và tổ chức của bạn cũng vì vậy mà phát triển.

Liệu có CEO nào tham gia vào khóa học quản lý về “Tối đa hóa tiềm năng bản thân” không?

Có lẽ không ai cả. 

Khi tất cả mọi người đều muốn văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, năng suất hơn, hầu hết chúng ta không biết bắt đầu từ đâu.

Dễ dàng nhận thấy rằng các nhà quản lý thậm chí còn có mức độ căng thẳng và dễ kiệt sức hơn những nhân viên mà họ quản lý.

Về mặt toán học, điều này có nghĩa là 130 triệu nhà quản lý đang lãnh đạo 1,3 tỷ nhân viên trên thế giới phải vật lộn với sức khỏe tinh thần của bản thân nhiều hơn so với đội ngũ của họ.

Việc thực hành kỹ năng quản lý đã không còn hợp lý

Từ trước đến nay, hầu hết chúng ta sử dụng các biểu mẫu mà đội ngũ Nhân sự đưa ra để đánh giá và sau đó các nhà quản lý dành hàng giờ liền để điền vào chúng – và tình trạng này vẫn là quy trình quản lý ở thời điểm hiện tại. Đồng thời trong quá trình quản lý đó, ta cũng học được đâu đó và nghĩ rằng việc cho nhân viên ăn nhẹ miễn phí, tạo ra một phòng thiền hay hoạt động “một ngày cho thú cưng đến văn phòng” mới là “môi trường làm việc lý tưởng”.

Hậu quả của việc quản lý truyền thống là chỉ có 20% nhân viên toàn thế giới thực sự gắn bó với công việc của họ. Đây là tình trạng đáng lo ngại về mặt kinh tế vì nó không chỉ làm chậm sự phát triển của tổ chức mà còn làm giảm tổng năng suất trên toàn cầu.

Năng suất là một từ mà các nhà kinh tế sử dụng cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên một người. Nếu tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, điều đó có nghĩa là chúng ta không sản xuất và mua bán nhiều hàng hóa như 100 năm trước đó. Giảm tốc độ tăng trưởng có thể coi là một tình trạng “nóng lên toàn cầu” trong lĩnh vực kinh tế.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những nơi làm việc “không còn hợp lý” trên thế giới được cải thiện?

Hãy tưởng tượng nếu tất cả các doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng gấp đôi mức độ gắn bó của nhân viên từ 20% lên 40%. Điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn chủ nghĩa tư bản – và cả thế giới.

Dù bạn đang quản lý một nhóm khách hàng, một bộ phận hoặc một chi nhánh hay cửa hàng, giải pháp để tăng con số trên chính là tối đa hóa tiềm năng của từng thành viên trong đội ngũ, tạo ra sự cộng tác chặt chẽ và thúc đẩy thành công của đội ngũ khi làm việc với khách hàng. Đó là công việc của người quản lý.

Thông qua việc nghiên cứu những điểm khác biệt làm nên các nhà quản lý giỏi nhất, chúng ta biết rằng việc quản lý là một hành động huấn luyện/ khai vấn, không phải là chỉ đạo và điều hành.

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất về khả năng lãnh đạo, dựa trên phân tích tổng hợp của 100 triệu lượt phỏng vấn nhân viên, chỉ ra 70% sự khác biệt giữa các nhóm gắn bó chặt chẽ nhất và các nhóm không gắn bó lâu dài đến từ người quản lý.

Mũi nhọn trong việc xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp với năng suất cao và phát triển nhanh – luôn luôn là người quản lý. 

Quản lý hiện đại là Khai vấn

Các cách quản trị mà chúng ta được dạy trong ngành kinh doanh hoặc học được từ bộ phận Nhân sự – đó là biểu mẫu đánh giá và những bảng khảo sát, cho nhân viên giờ làm linh hoạt và hoặc những đồ ăn vặt miễn phí – những cách làm đó đều tốt, nhưng chúng chưa đủ. Các hoạt động đó được chứng minh là có rất ít hoặc không giúp ích nhiều cho sức khỏe tinh thần của nhân viên (không giúp giảm căng thẳng hay kiệt sức).

Cách giải quyết chỉ có một – là người quản lý. Hãy luôn nhắc nhở bản thân nhớ điều này.

“Trực giác đã luôn mách bảo điều đó, nhưng tại sao người quản lý phải chịu trách nhiệm cho 70% các biến đổi trong tổ chức, và tôi vẫn không biết mình chính xác phải làm gì.” Nếu đó là những gì bạn đang thắc mắc, đây là lời khuyên dành cho bạn:

  1. Hãy sẵn sàng chấp nhận tư tưởng mới. Ai cũng muốn một công việc tốt, và điều này đặc biệt đúng đối với thế hệ Gen Y và Gen Z. Nhóm tuổi này thực sự muốn học hỏi và phát triển. Điều quan trọng là giải quyết nhu cầu “học hỏi và phát triển” của họ, chứ không phải chỉ cung cấp những thứ miễn phí.
  1. Thông báo với tổ chức rằng bạn – người lãnh đạo đang chuyển đổi văn hóa của mình từ quản lý sang huấn luyện/ khai vấn đội ngũ. Và đây thật sự là một thách thức lớn thay đổi đại cục.
  1. Thực hành sự thay đổi bằng thực tiễn quản lý trong tổ chức. Bỏ qua các hình thức đánh giá, xếp hạng. Xác định chính xác cách thức thay đổi theo cách sau: Tạo thói quen trò chuyện khai vấn hàng tuần với mỗi thành viên trong đội ngũ quản lý.

Một cuộc trò chuyện khai vấn hàng tuần có thể thực hiện trực tiếp, qua điện thoại, email, Zoom, tại một buổi cà phê hoặc thậm chí ngoài hành lang. Đây là hình thức đã được kiểm chứng và ngay lập tức có thể thay đổi văn hóa của bạn.

  1. Bạn có thể sẽ nhận được một câu hỏi từ đội ngũ quản lý của mình, “Cuộc trò chuyện sẽ nói về điều gì?” Bạn nên trả lời là “mục tiêu” – vì ta cần tập trung vào quá trình đạt được mục tiêu và thuyết phục khách hàng.
  1. Sau đó, những người quản lý của bạn có thể hỏi, “Tôi chưa từng học qua một khóa đào tạo nào để huấn luyện/ coaching hay khai thác tiềm năng của một cá nhân, chứ chưa nói đến một đội ngũ – chính xác thì tôi phải làm như thế nào?” Khi đó, bạn cần giải thích, “Chúng ta đang thay đổi mọi thứ. Chúng ta cần xây dựng các công cụ chuyển đổi và sẽ cần một khóa huấn luyện để đào tạo lại và khởi động lại chính bạn với tư cách là một người quản lý bài bản. Chúng ta sẽ cùng nhau phát triển mỗi con người giống như cách một huấn luyện viên tạo ra một cầu thủ và một đội chơi tuyệt vời trong các môn thể thao – bằng cách phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của họ.”

Sự nghiệp của mọi người sẽ thay đổi – kể cả bạn – người đứng đầu! Thành viên của bạn sẽ giành được nhiều thành công hơn trong công việc và trong cuộc sống. Khách hàng và cổ đông của bạn cũng vậy.

Đây là một sự chuyển đổi cần CEO dẫn đầu. Bạn chính là Huấn luyện viên trưởng.


Cập nhật các thông tin mới nhất về GrowMind tại đây.

GrowMind – Đồng kiến tạo mạng lưới các công ty tiến bộ và hạnh phúc.

1
Bạn cần hỗ trợ?